Tăng cường bảo mật cho đám mây của mình, Google chú ý đến công nghệ blockchain
Tin tức
Không chỉ mình Google, nhiều ông lớn và các startup công nghệ khác cũng dùng blockchain để gia tăng sức mạnh và cạnh tranh với các sản phẩm cốt lõi của công ty.
Nền tảng blockchain cùng một công nghệ khác được gọi là sổ cái kỹ thuật số đang được nhiều công ty sử dụng để ghi lại một cách bảo mật các giao dịch và xử lý những dữ liệu khác qua internet – đây lại là dịch vụ mà Google có thể sử dụng, ví dụ như để đảm bảo với khách hàng của họ rằng, thông tin của họ được bảo vệ khi lưu trữ trên một mạng lưới khổng lồ các máy chủ cung cấp dịch vụ đám mây của mình.
Theo Bloomberg, công ty thuộc Alphabet đang phát triển một sổ cái kỹ thuật số phân tán của riêng mình, mà bên thứ ba có thể sử dụng để đăng tải và xác nhận các giao dịch. Cho dù thời gian ra mắt một sản phẩm như vậy vẫn chưa rõ ràng, công ty đang có dự định dùng nó để khiến dịch vụ đám mây của mình nổi bật so với các đối thủ. Công nghệ này cũng cung cấp một phiên bản riêng để các công ty khác có thể chạy trên máy chủ riêng của mình.
Blockchain - lá chắn củng cố khả năng bảo mật thông tin dữ liệu trên đám mây
Người khổng lồ về internet này đã thâu tóm và đầu tư vào hàng loạt các startup với chuyên môn về sổ cái kỹ thuật số. Bên cạnh đó, một nguồn tin cho biết, hàng loạt nhân sự trong bộ phận cơ sở hạ tầng của Google đã làm việc về giao thức blockchain trong những tháng gần đây. Một số người trong nội bộ Google cũng cho biết rằng mảng kinh doanh đám mây là một nơi đến tự nhiên dành cho các dịch vụ liên quan đến blockchain.
Theo hãng nghiên cứu CB Insights, GV, bộ phận đầu tư mạo hiểm của Alphabet, đã đầu tư vào dịch vụ ví điện tử Blockchain Luxembourg, mạng lưới giao dịch tài chính Ripple, nền tảng quản lý tài sản tiền mã hóa LedgerX, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế Veem, và Buttercoin, một startup về tiền mã hóa đã bị đóng cửa.
Các sổ cái kỹ thuật số như blockchain đã tạo nên Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác. Chúng là các cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên qua hàng ngàn máy tính trên internet. Mỗi mục nhập vào được xác nhận bởi các cỗ máy này, vốn có thể là một phần trong một mạng lưới công cộng hoặc do các công ty vận hành một cách riêng biệt.
Công nghệ này mang lại cả cơ hội và thách thức cho Google. Các mạng lưới máy tính phân tán vận hành những sổ cái kỹ thuật số có thể loại bỏ các rủi ro đi kèm với việc thông tin do một công ty duy nhất nắm giữ. Trong khi lớp bảo mật của Google rất mạnh mẽ, họ lại là một trong những hãng nắm giữ thông tin lớn nhất thế giới. Điều này cũng biến họ thành mục tiêu tấn công hàng đầu thế giới đối với những kẻ muốn khai thác thông tin, và blockchain có thể là công cụ giúp khách hàng của họ kiểm tra được xem liệu dữ liệu của mình còn an toàn hay không.
Hiện tại công ty vẫn là một người tiên phong trên môi trường internet và có kinh nghiệm lâu dài trong việc nắm bắt các chuẩn web mở mới. Để xây dựng nên sổ cái của mình, Google đã tìm kiếm công nghệ này từ Liên minh Hyperledger Consortium, nhưng theo một nguồn tin, có thể họ sẽ lựa chọn loại khác để dễ dàng mở rộng khả năng xử lý tới hàng triệu giao dịch.
Sridhar Ramaswamy, giám đốc quảng cáo Google, cho biết trong một buổi hội thảo gần đây rằng, bộ phận của ông có “một nhóm nhỏ” tìm hiểu về blockchain, nhưng nhấn mạnh công nghệ cốt lõi hiện tại không thể xử lý nhanh nhiều giao dịch.
Sức ép từ các đối thủ cạnh tranh
Trong khi đó cách tiếp cận phi tập trung cũng là điểm khởi đầu để hỗ trợ cho nhiều dịch vụ trực tuyến mới có thể cạnh tranh với Google. Một số hãng tiếp thị cũng đang bắt đầu khai thác tiềm năng blockchain để tạo thuận lợi cho việc mua quảng cáo mà không cần đến Google và Facebook, hai ông lớn thống trị thị trường này.
Brave, trình duyệt web cạnh tranh với Chrome của Google đang sử dụng công nghệ blockchain để trả tiền cho các website khi người dùng dành thời gian cho nó, thay vì chạy các quảng cáo nhắm mục tiêu như thông thường. BitClave cho phép mọi người thực hiện tìm kiếm trực tuyến, và được tặng thưởng khi xem quảng cáo.
Không chỉ vậy, hàng loạt ông lớn trong ngành công nghệ cũng đang quan tâm đến lĩnh vực này. Trong số đó có IBM và Microsoft đang đi đầu trong việc đưa ra các công cụ liên quan đến blockchain và cho phép các công ty làm việc với sổ cái kỹ thuật số sử dụng dịch vụ đám mây của họ. Theo WinterGreen Resesarch, thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ blockchain có thể tăng trưởng từ 706 triệu USD của năm ngoái lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2014.
Người đi đầu về điện toán đám mây, Amazon đang giúp các công ty khác xây dựng những ứng dụng blockchain, còn Facebook của Mark Zuckerberg đang xem xét đến tiền mã hóa, mã hóa và các tiếp cận điện toán phi tập trung khác.
Rõ ràng, sức ép từ các startup tiềm năng và các ông lớn, đối thủ hiện tại của Google là một lý do không thể bỏ qua để họ bắt đầu xem xét đến công nghệ blockchain phục vụ cho hoạt động của mình.
Nguồn: Genk.vn