Samsung đặt cược 26 tỷ USD vào mảng sản xuất chất bán dẫn, bằng tổng ngân sách đầu tư của Intel, TSMC và SK Hynix
Tin tức
Samsung quyết tâm loại bỏ Intel và TSMC trong cuộc chiến bán dẫn
Thị trường bộ nhớ DRAM và flash NAND đã tăng trưởng tới 20% trong năm vừa qua. Tuy nhiên nguồn cung vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt so với nhu cầu rất lớn của thị trường, đó cũng là lý do khiến cho giá của các bộ nhớ DRAM và flash NAND vẫn đang tăng cao.
Samsung chiếm tới gần 50% nguồn cung trên toàn thế giới cho cả hai loại bộ nhớ trên. Tuy nhiên gã khổng lồ Hàn Quốc sẽ không dừng lại ở đó. Một bản kế hoạch vừa mới được công bố cho thấy, Samsung sẽ tăng số tiền đầu tư vào mảng sản xuất chất bán dẫn của mình lên gấp 2,5 lần, tương đương với 26 tỷ USD để xây dựng các cơ sở sản xuất mới.
Để so sánh, ngân sách vốn của Intel cho mảng sản xuất bộ nhớ tăng 25% so với năm 2016, nhưng chỉ có 12 tỷ USD. Trên thực tế, khoản đặt cược mới trị giá 26 tỷ USD của Samsung bằng tổng ngân sách đầu tư của ba gã khổng lồ Intel, TSMC và SK Hynix.
Động thái này của Samsung có thể sẽ tác động lớn tới thị trường DRAM và NAND, khi nguồn cung dồi dào sẽ làm giảm giá bán và ảnh hưởng tới bảng cân đối tài chính của Samsung. Nhưng đó là tin vui với người dùng, khi giá RAM và ổ SSD có thể sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Khoản đặt cược 26 tỷ USD sẽ làm thay đổi toàn bộ cuộc chơi
Các nhà sản xuất bộ nhớ hàng đầu thế giới như Intel, TSMC và SK Hynix sẽ phải đối mặt với sức ép vô cùng lớn đến từ Samsung. Bởi thị phần của Samsung là rất lớn, cộng thêm với việc tiếp tục mở rộng các nhà máy sản xuất và tăng nguồn cung, sẽ khiến thị phần của các đối thủ ngày càng thu hẹp.
Sức ép về giá cũng sẽ khiến các nhà sản xuất khác khó có thể cạnh tranh được với Samsung. Họ sẽ chỉ có lựa chọn là giảm giá bán và tăng tối đa công suất của các nhà máy hiện tại. Nếu không bắt kịp tốc độ phát triển của Samsung, các đối thủ lớn hoàn toàn có thể bị loại khỏi cuộc chơi.
Trong tương lai gần, giá DRAM và SSD sẽ giảm. Nhưng trong tương lai xa, việc Samsung thống trị thị trường này sẽ là điều không tốt đối với các nhà sản xuất OEM. Giống như việc Samsung đang thống trị thị trường màn hình OLED, khiến cho Apple bị ép giá cao gấp 1,5 lần so với bình thường.
Nguồn: Genk.vn
Để lại bình luận