Những con số ấn tượng khẳng định tầm vóc của Viettel Cyber Security
Tin tức
Đứng trước các rủi ro và thách thức từ thời đại số, Viettel Cyber Security là một trong số ít công ty có thể giúp doanh nghiệp Việt giải quyết các vấn đề về an toàn thông tin.
Từ khởi đầu chỉ có 6 người, Trung tâm An ninh mạng Viettel đã phát triển thành một đơn vị an ninh mạng chuyên nghiệp với hơn 200 nhân sự. Đến ngày 12/4, trung tâm đã chính thức trở thành Công ty An ninh mạng Viettel - Viettel Cyber Security (VCS).
Lá chắn “thép” cho doanh nghiệp
Không chỉ tập trung vào nghiên cứu, phát triển chuyên sâu các giải pháp an ninh mạng như trước đây, công ty còn định hướng cung cấp, kinh doanh các giải pháp đó. Đồng thời, công ty kỳ vọng đưa dịch vụ an ninh mạng phát triển đến một cấp độ cao hơn.
Lễ ra mắt công ty an ninh mạng Viettel. |
Hiện tại, Viettel Cyber Security tập trung vào các sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin như trung tâm điều hành và giám sát an toàn thông tin (SOC) và các giải pháp như giám sát và bảo vệ website trên nền tảng điện toán đám mây (Cloudrity); giải pháp EDR giám sát bất thường trên máy trạm (VCS-aJiant); giải pháp giám sát và phát hiện tấn công mạng viễn thông (VCS-TAD-SE) và giải pháp chống lậu cước mạng viễn thông (VCS-TAD-AF)…
Phát biểu trong buổi ra mắt chính thức công ty vào tháng 4, thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết: "Với hệ sinh thái sản phẩm đa dạng tự phát triển, Công ty An ninh mạng Viettel là lá chắn thép đáng tin cậy cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam".
Trong 8 năm hình thành và phát triển, đơn vị đã nghiên cứu và xây dựng một hệ thống giám sát, phòng thủ toàn diện cho hàng chục nghìn máy chủ, máy trạm và thiết bị mạng. Mỗi năm, hệ thống này của công ty đã ngăn chặn được hơn 25.000 cuộc tấn công mạng từ nhiều nguồn trên toàn thế giới nhắm vào Viettel và các khách hàng của mình.
Anh Phạm Văn Khánh đã được Microsoft vinh danh trong top 100 chuyên gia bảo mật trên thế giới 2019 với vị trí thứ 41. |
Công ty sở hữu đội ngũ nhân sự có năng lực cao, được các tổ chức quốc tế công nhận. Cho đến nay, đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin Viettel đã tìm ra hơn 100 lỗ hổng bảo mật Zero-Day. Với thành tích này, công ty đã nhận giải đồng IT World Awards 2017, giải bạc Stevie Awards 2017. Bên cạnh đó, còn có nhiều giải thưởng uy tín trong nước như giải nhất Whitehat Contest 9, giải nhất Snatching The H@t.
Nổi bật trong số những cá nhân xuất sắc của đội ngũ an ninh mạng Viettel là Nguyễn Hồng Quang - top 10 người tìm được nhiều lỗi bảo mật nhất trên thế giới của nền tảng PHP do tổ chức HackerOne xếp hạng, Phạm Văn Khánh đã được Microsoft vinh danh trong top 100 chuyên gia bảo mật trên thế giới 2019 với vị trí thứ 4 hay Khôi Dương nằm trong top 100 chuyên gia bảo mật của Facebook. Đây là nền tảng mang lại sự tin cậy cho khách hàng và đối tác dành cho công ty.
Đối tác tin cậy trong lĩnh vực an ninh mạng
Trong năm 2019, các chuyên gia an ninh mạng của Viettel đã phối hợp với Cục An toàn Thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia bảo đảm an toàn thông tin mạng cho trung tâm báo chí khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.
Từ năm 2016, khi còn là Trung tâm An ninh mạng, các chuyên gia của Viettel đã tham gia triển khai các giải pháp an ninh mạng và dịch vụ cho Vietnam Airlines. Ông Lê Nam Tiến, Phó ban Công nghệ Thông tin của Vietnam Airlines cho biết, hãng xem các giải pháp của Viettel là những giải pháp tổng thể và toàn diện cho các rủi ro an ninh mạng mà hãng phải đối mặt.
Ngoài ra, khi phải lựa chọn nhiều giải pháp bảo mật của các hãng khác nhau, ngân hàng Vietcombank đã lựa chọn Hệ thống Giải pháp Quản lý Bảo mật tập trung (SOC) của Viettel Cyber Security.
Không dừng lại ở đó, công ty đã nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp Viettel Endpoint Detection & Response (hay VCS-aJiant). Đây là hệ thống giám sát an ninh mạng thế hệ mới, chủ động và có khả năng phòng thủ tốt hơn trước những cuộc tấn công có chủ đích trên máy chủ và máy trạm.
Giải pháp Viettel Endpoint Detection & Response (hay VCS-aJiant). |
Được cài đặt ngay trên thiết bị máy chủ hay máy người dùng để phát hiện và chống lại các cuộc tấn công có chủ đích ở lớp thiết bị đầu cuối (lớp Endpoint), VCS-aJiant đảm bảo loại bỏ tất cả nguy cơ bị khai thác và chiếm quyền điều khiển, kịp thời cảnh báo các bất thường trong thiết bị. Tuy vậy, hoạt động của giải pháp này không ảnh hưởng đến hiệu năng thiết bị trong quá trình làm việc. Các tác vụ của nó chỉ chiếm khoảng 1% tài nguyên hệ thống.
Đây cũng là sản phẩm đầu tiên đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật theo chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng ngày 25/5 về việc nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại trong nước.
Để đáp ứng nhu cầu mở rộng và phát triển, công ty kỳ vọng đến năm 2021, lực lượng nhân sự của Viettel Cyber Security dự kiến phát triển lên đến 500 người.
Không chỉ mở rộng về quy mô nhân sự, công ty cũng định hướng tập trung vào các công nghệ mới như Big Data, AI, máy học Machine Learning; ứng dụng chúng vào các giải pháp giám sát và xử lý sự cố an toàn thông tin mạng. Đây được xem như xu hướng tất yếu của ngành an toàn thông tin thế giới.
Đối với tầm nhìn xa hơn nữa, Viettel Cyber Security kỳ vọng có thể tự xây dựng và phát triển nên các sản phẩm và dịch vụ có đủ khả năng cạnh tranh với các hãng lớn trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn: zingnews.vn
Để lại bình luận