Nhà sản xuất chip xử lý lớn nhất thế giới suy yếu, tạo cơ hội cho Samsung vượt mặt
Tin tức
Nhà sản xuất chip di động TSMC báo cáo doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, thấp hơn kỳ vọng của các nhà đầu tư và phân tích.
Nhà sản xuất chip xử lý TSMC công bố dự báo doanh thu Q3/2017 trong khoảng 8,12 - 8,22 tỷ USD, thấp hơn 8,6 tỷ USD so với ước tính của các nhà phân tích. Vị vua mới của ngành công nghiệp chất bán dẫn đang trở nên suy yếu, do thị trường smartphone tăng trưởng chậm trước sự kiện ra mắt chiếc iPhone kỷ niệm 10 năm của Apple.
Cổ phiếu của TSMC đã giảm 1,3% sau khi đưa ra mức dự báo này. Trước đó, cổ phiếu của TSMC đã tăng 18% trong năm nay và đạt mốc kỷ lục vào tháng 6. Cũng nhờ đó mà nhà sáng lập và Chủ tịch của TSMC, ông Morris Chang đã trở thành tỷ phú USD ở tuổi 86.
TSMC đang là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới, giá trị vốn hóa cao hơn cả gã khổng lồ Intel.
Bất chấp sự suy yếu tạm thời, các nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng vào TSMC trong nửa cuối năm 2017 và cả năm 2018. Nguyên nhân là do Apple sẽ ra mắt chiếc iPhone 8 được rất nhiều người mong đợi vào tháng 9 sắp tới, trong khi đó TSMC là nhà sản xuất chip độc quyền cho Apple.
TSMC cũng báo cáo lợi nhuận ròng của Q2/2017 sụt giảm 9%, xuống còn 2,2 tỷ USD và thấp hơn cả ước tính của các chuyên gia. Theo phân tích, TSMC gặp nhiều khó khăn do đồng nội tệ tăng mạnh so với đồng USD, bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng lớn từ phía đối thủ Samsung.
Tuy nhiên giá cổ phiếu TSMC vừa sụt giảm, do báo cáo tài chính thất vọng trong Q2/2017.
TSMC cho biết sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong năm 2017, để xây dựng và nâng cấp các dây chuyền sản xuất mới, nhằm đáp ứng nhu cầu dài hạn của các hãng điện thoại. Trong đó, TSMC kỳ vọng vào dây chuyền sản xuất chip xử lý 7nm sẽ đi vào hoạt động trong năm tới.
Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của TSMC hiện nay là Samsung, đang chuẩn bị tiến thẳng lên dây chuyền sản xuất chip 6nm và bỏ qua dây chuyền 7nm.
Nhiều nguồn tin tiết lộ, Samsung đang lên kế hoạch lắp đặt các hệ thống tiên tiến nhất của ASML để hỗ trợ việc sản xuất các bộ vi xử lí. Những cỗ máy của ASML có khả năng phát ra những tia cực tím có bước sóng cực nhỏ hỗ trợ các quy trình sản xuất các chip bán dẫn một cách tốt nhất, chính xác nhất.
TSMC có thể đi tiên phong với dây chuyền sản xuất chip 7nm, nhưng đối thủ Samsung lại đang phát triển công nghệ 6nm.
Dự định của Samsung là sẽ vượt mặt TSMC bằng việc sản xuất các bộ vi xử lí trên quy trình 6nm thay vì 7nm như công ty đến từ Đài Loan. Cuộc cạnh tranh này cũng đã từng xảy ra trong quá khứ khi mà Samsung cũng vượt mặt TSMC bằng cách bỏ qua quy trình 20nm để tập trung vào quy trình 14nm.
Chính vì vậy mà cuộc chiến chip xử lý di động đang trở nên vô cùng gay cấn. Hiện tại, TSMC vẫn đang chiếm được khá nhiều lợi thế do có được hợp đồng với cả Apple và Qualcomm, hai vị khách hàng lớn nhất hiện nay. Nhưng nếu Samsung thành công với dây chuyền 6nm của mình, mọi thứ có thể thay đổi cho dù TSMC có tạo ra được những con chip 7nm với nhiều ưu điểm vượt trội.
Nguồn: Genk.vn
Để lại bình luận