Bạn định mua laptop cũ? Hãy bỏ túi những mẹo này để lựa chọn và kiểm tra dễ dàng hơn
Tin tức
Đây là những hướng dẫn, gợi ý để bạn dễ dàng tìm và kiểm tra các loại laptop cũ trước khi mua sao cho phù hợp nhất với sở thích và túi tiền.
Bạn là học sinh, sinh viên và dự định sẽ mua laptop phục vụ học tập, giải trí sau Tết nà hay là nhân viên văn phòng mới đi làm và kinh tế còn eo hẹp? Dưới đây sẽ là những gợi ý, mẹo vặt giúp bạn lựa chọn laptop cũ dễ dàng hơn, vừa tiết kiệm chi phí mà vừa đảm bảo dùng được lâu dài.
Xác định chi phí và nhu cầu
Thực ra thì mua cái gì bạn cũng nên xác định mức chi phí trước, và với laptop thì nhu cầu sử dụng lại là điều quan trọng ngang với cả số tiền bỏ ra. Hai yếu tố này luôn đi song song với nhau và phải tương ứng với nhau. Bạn không thể đòi hỏi máy phải có cấu hình cực cao mà giá lại siêu rẻ được.
Ví dụ, nếu có 10 triệu đồng mà chỉ dùng cho các nhu cầu công việc văn phòng, lướt web, xem phim, giải trí nhẹ nhàng thì có rất nhiều lựa chọn. Bạn chỉ cần tìm một máy nào đó dùng Core i3 - i5 đời cũ, RAM 4GB và tốt nhất là mỏng nhẹ một chút để dễ mang theo. Trong đi đó, nếu muốn chơi game hay sử dụng cho các nhu cầu nặng hơn như thiết kế, chỉnh sửa hình ảnh, video… thì tầm giá 10 triệu khá khó nhằn. Bạn nên tiết kiệm thêm để mua hẳn một chiếc máy có CPU mạnh hơn, từ i5 trở lên, RAM 8GB trở lên và có thêm card đồ họa phù hợp.
Tìm kiếm địa chỉ uy tín
Những cửa hàng bán laptop cũ không hề khó tìm ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội, chúng ta có Lê Thanh Nghị và Thái Hà là hai con phố với hàng chục, hàng trăm cửa hàng laptop cũ lớn nhỏ. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng bán máy tốt, uy tín.
Bạn nên tham khảo thật kĩ trên mạng trước khi tới mua. Hãy nhớ tới cú pháp “tên cửa hàng + lừa đảo” và tra lại trên Google xem có vấn đề gì đáng lo không. Ngoài ra, tham khảo bạn bè và người thân, những ai đã từng mua laptop cũ để có thêm thông tin chính xác hơn.
Cuối cùng là, đừng tham hàng rẻ, đừng quá tin những người rao hàng trên mạng và luôn yêu cầu có hóa đơn và giấy bảo hành được đóng dấu/kí nhận.
Nhờ bạn bè, người thân có kinh nghiệm về máy tính đi cùng
Hai cái đầu thì (thường) hơn một cái đầu, nhất là khi một trong hai còn có hiểu biết về máy tính. Việc mang theo bạn bè hay người thân sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn khi quyết định mua và khó bị “dụ” hơn. Quan trọng nhất là, nếu rủ được ai có kinh nghiệm thì quá trình lựa chọn, kiểm tra lỗi máy sẽ dễ hơn nhiều.
Quy trình kiểm tra phần cứng
Có rất nhiều thứ bạn cần kiểm tra trước khi quyết định mua laptop cũ. Dưới đây là danh sách những thành phần đó:
Vỏ máy: Soi kĩ các góc cạnh của máy để xem có bị móp méo, sứt mẻ, vỡ, gãy không. Các ốc vít có còn nguyên không, đã bị trờn, lỏng không. Nếu ốc bị trờn, lỏng thì không nên mua vì quá trình sửa chữa, thay thế và bảo dưỡng sau này sẽ gặp khó khăn.
Màn hình: Bạn cần kiểm tra xem có điểm chết không, có bị chảy mực không, nếu là màn cảm ứng thì có bị đơ không, nhận diện điểm chạm có chính xác không. Bạn có thể tải phần mềm Dead Pixel Locator về tìm điểm chết và mở Paint lên vẽ xem cảm ứng có chuẩn chưa. Màn hình là thành phần cực kì quan trọng với ai có nhu cầu chỉnh sửa hình ảnh, video nên bạn cần kiểm tra thật kĩ.
Điểm ảnh nào chỉ hiển thị màu đen là "điểm ảnh chết", chỉ màu trắng là "điểm ảnh nóng",còn chỉ hiển thị 1 trong 3 màu đỏ, xanh dương hoặc xanh lá thì gọi là "điểm ảnh kẹt".
Vi xử lý, RAM: Hãy tải phần mềm AIDA64 về cài đặt và kiểm tra các thông số phần cứng của máy. Phần mềm này cho phép bạn xem thông tin về vi xử lý, RAM, ổ cứng, pin… rất chi tiết. Nếu thấy thông báo lỗi ở các thành phần trên, nhất là về RAM và ổ cứng thì hoàn toàn không nên mua máy.
Ổ cứng: Thành phần này là dễ bị hỏng nhất với các máy dùng HDD. Bạn có thể tải HDDscanvề kiểm tra xem có bị lỗi Bad Sector không. Nếu thấy có nhiều dòng thông tin bị đánh màu cam hoặc đỏ thì nên yêu cầu thay ổ cứng mới hoặc chuyển sang xem một chiếc máy khác.
Nếu các dòng thông tin này báo cam hoặc đỏ tức là ổ cứng đang bị lỗi ở thành phần nào đó.
Wifi: Một số máy laptop có khả năng bắt Wifi kém hơn bình thường, ví dụ như khi máy có vỏ hoàn toàn bằng kim loại. Hãy thử so sánh cột sóng, tốc độ tải qua Wifi với điện thoại hay máy laptop khác đặt ngay bên cạnh để rõ.
Loa ngoài: Cách dễ nhất là hãy mở nhạc từ Youtube hay Zing Mp3, bật mức âm lượng cao nhất và nghe kĩ xem có bị rè không, hai kênh trái phải có lệch nhau không.
Bàn phím: Hãy bấm mọi phím trên bàn phím vài lần để xem nó có hoạt động không, có bị kẹt phím không. Các máy quá cũ có thể còn bị mờ kí tự và mất đi độ đàn hồi ở một số phím hay sử dụng.
Touchpad: Touchpad là công cụ rất quan trọng để tương tác với máy nên bạn cần kiểm tra thật kĩ: Nó có rê chuột chính xác không, có bị “giật cục” không, có hay nhảy lung tung không, có nhận đúng số lượng điểm chạm tối đa không? Một số máy có thể bị lỗi đơ, loạn cảm ứng Touchpad khi quá nóng nữa và bạn cần liên lạc tới bên bán để xử lý ngay.
Pin: Cũng sử dụng AIDA64, nếu bạn thấy pin đã báo chai (Wear Level) khoảng 40% trở lên thì nên yêu cầu cửa hàng đổi pin mới ngay hoặc giảm tiền rồi mang ra hãng thay cho chắc ăn. Nếu không được, hãy chuyển sang một chiếc máy/model khác.
Hãy chú ý dòng Wear Level (mức độ chai pin) ở gần cuối.
Webcam: Bạn có thể bấm Windows, gõ “camera” và mở trình chụp ảnh của máy lên hoặc truy cập vào các website webcam trực tuyến để thử bằng cách Google từ khóa “webcam test”.
Các cổng kết nối: Hãy dùng thử tất cả các cổng USB, LAN, HMDI, VGA… có trên thân máy càng sớm càng tốt. Nếu có vấn đề trong những ngày đầu thì phải liên lạc ngay tới bên bán để được xử lý.
Quạt tản nhiệt: Đây cũng là thành phần đáng quan tâm, bởi một số chiếc máy vì quá nóng nên đã bị tháo vỏ và hàn chết mạch quạt vào bo mạch chính để quạt luôn hoạt động. Cách kiểm tra là bật máy lên sử dụng, mở chế độ Sleep và xem xem quạt có tiếp tục chạy không. Nếu có thì bỏ ngay ý định mua chiếc máy đó đi nhé.
Trên đây là tổng hợp những mẹo nhỏ mà bạn nên bỏ túi ngay nếu đang cần mua laptop cũ. Chúc bạn may mắn và tìm được một chiếc phù hợp nhất với túi tiền và yêu cầu.
Nguồn: Genk.vn